TIN TỨC

Tâm Sự Của Dịch Giả Với Nghề Biên Phiên Dịch

(Cập nhật ngày 12 12 2012)

Một mùa xuân nữa đang về. Mấy hôm nay lòng mình cứ nôn nao một cảm giác thật khó tả! Hồi hộp đến nghẹt thở. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Noel và năm mới về là mình lại có cảm giác này. Đã lâu lắm rồi không về thành phố hoa Đà Lạt, nhớ quá! Ở đó không khí Noel và năm mới nồng nàn hơn bao giờ hết. Cứ mê mải với công việc và cuộc sống tất bật nên thời gian trở về thăm phố núi chỉ tính trên đầu ngón tay. Bốn năm – đó cũng chính là quãng thời gian mình ra trường đi làm và gắn bó với nghề biên dịch. Hôm nay trong không khí nhớ nhung đầy xao xuyến này, lại nhắc mình nhớ đến những kỷ niệm vui buồn của nghề biên dịch . Mình xin được chia sẻ ra đây với bè bạn, đồng nghiệp gần xa. 

Từ nhỏ, mình đã rất thích những cuốn sách thiếu nhi được chuyển ngữ từ tiếng nước ngoài như “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” của nhà văn Mỹ Mark Twain, “Ba chàng lính ngự lâm” của nhà văn Pháp Alexandre Dumas…. Ngày đó, nào đã hiểu biên dịch với chuyển ngữ là gì đâu, nhưng đọc sách thấy hay và cuốn hút quá nên rất thích. Thế rồi, đến ngày học lớp mười hai mình mới bắt đầu ý thức chuyện nghề nghiệp tương lai. Nghe cô giáo tiếng Anh nói mình có năng khiếu về ngoại ngữ nên theo học tiếng Anh thì tốt hơn. Mình ngây thơ hỏi cô: “Nhưng học tiếng Anh ra trường thì làm gì ạ?” Thế là cô đưa cho nguyên bản tiếng Anh của một chương trong truyện “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” nói dịch thử. Lúc đó, vừa đọc vài trang đầu tiên thấy nội dung thân quen quá! Nhìn lại tựa đề mới giật mình nhớ lại những kỷ niệm của tuổi thơ. Thì ra cuốn sách gắn bó với mình suốt thời thơ ấu là một cuốn sách được chuyển ngữ từ tiếng Anh. Lòng thầm thán phục dịch giả nào đã dịch cuốn sách đó sang tiếng Việt mà hay và chuẩn đến vậy. Thế là mình ngồi vào bàn học dịch một mạch hết chương đầu tiên của cuốn truyện, xong đưa cô giáo xem. Cô gật gù khen ngợi và động viên: “ Em có năng khiếu dịch thuật đấy. Nghề biên dịch rất phù hợp với em!”. Lúc đó mới mơ hồ hiểu ra biên dịch là gì! 

biên phiên dịch
Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer

Vào đại học, càng được học chuyên sâu hơn về ngành biên dịch càng thấy nhiều điều thú vị, nhưng cũng không kém phần hóc búa. Còn nhớ năm cuối đại học được một bác dịch giả quen giao cho một cuốn sách nói cộng tác với bác dịch ra tiếng Việt. Hì hục suốt vài tháng trời cuối cùng mới xong được phân nửa cuốn. Đưa bác xem thử, bác nói: “ Con mới chỉ dịch thô ngữ nghĩa ra thôi. Bản dịch của con chưa truyền tải được hết ý đồ của tác giả. Con chưa đặt hết tâm huyết và tình cảm của mình vào bản dịch. Thế này vẫn chưa đủ để xuất bản đâu con….” Rồi bác cầm tay chỉ việc cho từng câu. Lúc đó mới hiểu ra: Lâu nay những gì mình học chỉ là cưỡi ngựa xem hoa thôi, chưa đủ để thành một cái nghề kiếm sống được! Cuốn sổ tay của mình còn ghi lại một câu rất hay của bác dịch giả ấy: “ Tác phẩm qua tay người biên dịch là được sáng tạo thêm một lần nữa”. Sau này, qua quá trình công tác và làm việc với từng phần việc cụ thể, được các anh chị lâu năm trong nghề chỉ dạy nhiều, mình mới hiểu hết quy trình làm việc của một dịch thuật viên như thế nào? Phải mất rất nhiều lần đỏ mặt khi nghe những nhận xét từ đồng nghiệp, bạn bè và cả tháng trời mất ăn mất ngủ thì mình mới hoàn thành được bản dịch đầu tiên để đem giao cho khách hàng. Mừng nhất là sau này bản dịch đầu tiên ấy được xếp vào những thành tựu tiêu biểu của công ty trong năm và được khách hàng đánh giá rất cao. Thế mới biết ngành nghề nào cũng cần một cái tâm và lòng yêu nghề trọn vẹn. Nếu mình luôn đặt hết tâm huyết vào từng bản dịch thì ắt sẽ có được những thành quả tốt đẹp. 

Người ta vẫn hay nói: “nghề năng trau, trâu năng cày”. Câu nói này rất đúng! Nhất là qua lần “đỏ mặt với khách hàng” ấy thì mình thấm thía hơn bao giờ hết câu nói đó. Số là lần ấy, mình và hai đồng nghiệp nữa được phân công dịch tài liệu khoa học kỹ thuật cho một trường đại học. Giao việc cho cả nhóm xong trưởng phòng còn hỏi đi hỏi lại là: “ Có tự tin với việc này không? Phải chịu khó tra từ điển cẩn thận từng từ nếu chưa hiểu nhé!”. Mình đã rất tự tin đại diện cho cả nhóm trả lời là: “Anh cứ yên tâm. Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên!”. Nhưng sau khi công việc được hoàn thành và giao cho khách hàng thì một vị giáo sư của trường đại học ấy đã đến tận công ty đòi gặp nhóm phiên dịch để nói chuyện về cuốn sách. Qua trao đổi với giáo sư mới biết nhóm mình đã phạm khá nhiều lỗi kỹ thuật, đặc biệt là nhiều thuật ngữ chuyên ngành dịch chưa chuẩn xác. Đó là hậu quả của việc tự tin thái quá và lười tra từ điển chuyên ngành của cả nhóm. Chúng mình được vị giáo sư giảng cho một bài học dài về cách dịch tài liệu khoa học kỹ thuật. Khi đó cả nhóm mới ngẩn người ra hối lỗi giá như mình cẩn trọng hơn, chịu khó trau dồi kiến thức hơn thì mọi sự đã không như vậy. Sau lần ấy, cả nhóm không những phải dịch lại đó cho đến khi vị giáo sư kia hài lòng mà còn thường xuyên bị trưởng phòng soi xét kỹ vì cái tội làm mất uy tín công ty. Còn nhớ câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “ Một lần ngã là một lần bớt dại/ Để thêm khôn một chút nữa trong mình”. Qua sự việc trên mình mới nghiệm ra một điều quý báu: Trong bất cứ ngành nghề nào, sự cẩu thả là không thể chấp nhận được. Nhất là trong nghề dịch thuật nói chung và biên dịch nói riêng, đôi khi vì một sự lười biếng, cẩu thả nhất thời mà gây ra những hậu quả khôn lường. Vì công việc dịch thuật là công việc sống bằng uy tín. Nếu chỉ “một lần mất tín” thì hậu quả là “vạn lần mất tin”. Mình thầm nhủ lòng phải luôn cố gắng trau dồi kiến thức nhiều hơn nữa và làm việc công tâm hơn nữa thì nghề nghiệp của mình mới phát triển được. 

Bốn năm trong nghề dịch thuật. Đó không phải là quãng thời gian dài nhưng qua quãng thời gian ấy mình đã có nhiều những trải nghiệm vui buồn của nghề. Những trải nghiệm đó đã cho mình thêm rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Vì mỗi cuốn sách là một kho tàng tri thức của nhân loại nên mỗi lần dịch xong một cuốn sách, một tài liệu mình lại hiểu thêm rất nhiều điều thi vị về cuộc sống ở muôn nơi và những tri thức mới mẻ. Có những quãng thời gian bị đau phải nằm ở nhà một chỗ, xa bàn phím máy tính và những bản dịch mình thấy nhớ công việc đến chảy nước mắt, cứ muốn lao ngay đến công ty thôi. Khi ấy chợt nhận ra: Mình thực sự rất yêu công việc biên dịch này. Nó đã gắn bó sâu sắc trong huyết mạch của mình từ khi nào không hay. 

Một năm mới nữa lại sắp đến, được chia sẻ những dòng tâm sự trên về nghề biên dịch với các đồng nghiệp, bè bạn gần xa mình thấy lòng thật vui. Chúc cho ngành dịch thuật của chúng ta năm mới đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng phát triển, phồn thịnh.

Nguồn: Lê Hòa